CanHOPE là dịch vụ hỗ trợ và tư vấn ung thư phi lợi nhuận do Trung tâm Ung thư Parkway của Singapore cung cấp.

Sức khỏe tâm lý

Nỗi lòng người chăm sóc

Facebook Twitter Email Print


Một người chăm sóc bệnh tuy nắm giữ nhiệm vụ cao cả nhưng cũng vô cùng mệt mỏi. Việc chăm sóc người bệnh đồng nghĩa với:

  • Phải học cách làm quen và chịu trách nhiệm trong nhiều vấn đề
  • Phải gác lại thời gian, sở thích hoặc hoạt động cá nhân
  • Tự điều chỉnh cảm xúc và sinh hoạt để phù hợp với người thân

Những thay đổi quá lớn này dần sinh ra các phản ứng cảm xúc khác nhau, chẳng hạn như:

  • Cảm xúc - Lo lắng: Lo lắng cho người thân và cách chăm sóc họ, hoặc về tương lai vô định trước mắt. Việc phải lên kế hoạch cho bữa ăn của người bệnh, nhạy cảm với cảm xúc của họ hoặc cùng họ đi thăm khám bệnh có thể làm bạn thêm căng thẳng và lo lắng.
  • Cảm xúc – Tức giận: Bạn cũng có thể cảm thấy tức giận và thất vọng khi thiếu đi sự giúp đỡ từ những người xung quanh hoặc phải nhẫn nhịn khi người thân phản ứng gay gắt với bạn. Cơn giận có thể xuất phát từ những cảm xúc như: tổn thương, cảm thấy bản thân không được coi trọng, thất vọng hoặc bất lực, lo lắng, v.v.
  • Cảm xúc – Tội lỗi: Người chăm sóc thường dằn vặt bản thân chưa chăm sóc tốt cho người thân.
  • Cảm xúc – Đau buồn: Bạn sẽ không tránh khỏi đau lòng khi nhìn người thân của mình trải qua đau khổ, hoặc vì chính bạn đã mất đi tương lai và cuộc sống mà bạn đã lên kế hoạch.
  • Cảm xúc - Cô độc: Bạn sẽ cảm thấy rất đơn độc trong cuộc sống hoặc thấy mình không còn thời gian dành cho các mối quan hệ xã giao nữa.

Chăm sóc cho người thân đôi khi làm bạn không ít lần đau buồn. Chúng ta ai cũng yêu gia đình rất nhiều, vì thế cũng dễ hiểu vì sao bản thân lại dần quá tải và kiệt sức trong quá trình chăm sóc. Hiểu được cảm xúc và suy nghĩ của chính mình sẽ giúp bạn xử lý những tác động cảm xúc tốt hơn trong hành trình chăm sóc. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho những ai đang gặp phải vấn đề này.

  1. Tìm cách điều chỉnh cảm xúc của bạn: Tập các bài tập thư giãn như hít thở sâu, thư giãn cơ bắp hoặc tịnh tâm. Bạn cũng có thể tìm cách để thể hiện hoặc bộc lộ cảm xúc của mình thông qua các hoạt động tập thể dục, viết nhật ký, nghệ thuật hoặc tâm sự với bạn bè.
  2. Cân bằng công việc hàng ngày để giảm bớt căng thẳng: Liệt kê tất cả các nhiệm vụ chăm sóc hàng ngày trong sổ để bạn không phải choáng ngợp và căng thẳng vì có quá nhiều thứ phải làm. Hãy tự hỏi bản thân liệu bạn có thấy công việc nào rất ý nghĩa / vô nghĩa, hoan hỉ / gò bó, dễ dàng / khó khăn? Hãy sắp xếp cân bằng giữa các việc vui vẻ, làm tốt và những việc tốn thời gian hơn.
  3. Xác định và thay đổi suy nghĩ của bản thân: Xác định những suy nghĩ tiệu cực nào đang cản trở cuộc sống và cảm xúc của bạn. Đó có thể là những suy nghĩ như “TÔI KHÔNG THỂ mắc bất kỳ sai lầm nào”, “KHÔNG AI có thể giúp tôi”, hoặc “Tôi là người chăm sóc KHÔNG TỐT vì tôi đã mắc lỗi”. Hãy liệt kê những suy nghĩ này ra, sau đó dung hòa sự hiện diện của chúng trong tâm trí bạn. Từ đó bạn mới nâng cao được khả năng thích ứng và linh hoạt hơn trong xử lý tình huống.
  4. Dành thời gian cho sức khỏe của bản thân: Hãy ưu tiên chăm sóc bản thân - cảm giác được nạp đầy năng lượng sẽ giúp bạn chăm sóc tốt hơn cho người thân yêu của mình. Đừng quên duy trì thói quen tự nhận thức và tịnh tâm để luôn ghi nhớ và tập trung vào mục tiêu hiện tại. Nhắc nhở bản thân rằng cuộc sống là một hành trình học tập không ngừng và ai trong chúng ta cũng sẽ mắc phải sai lầm. Hãy truyền đạt nhu cầu và cảm xúc của bạn để người khác hiểu rõ hơn và biết được nên làm gì để giúp đỡ bạn. Chia sẽ về trải nghiệm của bản thân với những người đồng cảnh ngộ cũng rất hữu ích - đó là một cách để tìm kiếm sự thấu hiểu, hỗ trợ và chia sẻ với nhau vượt nhau khó khăn. Cuối cùng, hãy tự xây dựng những mối quan hệ chân thành với bạn – tìm đến những người mà bạn cảm thấy thoải mái để chia sẻ nỗi lòng và cùng nhau vượt qua khó khăn. Đừng ngần ngại chia sẻ với chuyên gia tâm lý nếu bạn cần được giúp đỡ và hỗ trợ.